Recent News

Con người muốn an nhiên tự tại cần phải hiểu Đạo để tu thân

Nho giáo cho rằng, người biết ước thúc đạo đức của tự thân mới thực sự là trân quý chính mình, khiến bản thân trở nên cao thượng. Trong tâm một khi đã có Đạo, thì cuộc sống tự nhiên sẽ an lạc tự tại…


Con người muốn an nhiên tự tại cần phải hiểu Đạo để tu thân
Đạo luôn gắn bó với con người, đó chính là lương tâm, là thiện tính, con người sinh ra vốn thiện lương. (Ảnh: Tripadvisor)
Khổng Tử từng giảng: “Thiên mệnh vị chi tánh, suất tánh vị chi Đạo, tu Đạo vị chi giáo”, nghĩa là, cái mệnh trời phú cho gọi là tính, theo tính gọi là Đạo, sửa mình cho đúng theo Đạo gọi là giáo.

Như vậy, Đạo luôn gắn bó với con người, đó chính là lương tâm, là thiện tính. Con người sinh ra vốn thiện lương, nhưng trải qua những tháng năm bôn ba giữa dòng đời, con người ngày càng tiếp xúc với những điều xấu ác mà xa dần bản tính lương thiện ban sơ của mình. Vậy nên trong Tam Tự Kinh có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, tức tâm tính thuở ban đầu của con người vốn lương thiện.

Nho giáo cho rằng, người biết ước thúc đạo đức của tự thân mới thực là trân quý chính mình, khiến bản thân trở nên cao thượng. Họ sẽ không ngông cuồng dựa vào thế lực, cũng không bị cám dỗ bởi sự tình bên ngoài. Trong lòng họ luôn kiên cố như dãy Trường Thành, có thể ngăn chặn được sóng cao vạn trượng. Người tự hạn chế, ước thúc được bản thân mới có thể thẳng thắn đối mặt với chính mình.

Học Đạo là bắt đầu từ những việc nhỏ, vậy nên Đạo có ở khắp mọi nơi

Chuyện kể rằng, một ngày nọ, Khổng Tử cùng các môn đệ chu du đến nước Sở. Khi đi ngang qua một khu rừng, họ gặp một ông lão gù lưng đang dùng gậy tre để bắt ve. Mỗi lần giơ gậy lên là một lần ông bắt được ve, không bỏ sót một con nào, trông dễ dàng giống như ông đang nhặt cái gì đó ở dưới đất lên vậy.

Khổng Tử đến gần, cúi đầu chào ông lão và hỏi: “Tiên sinh, kỹ thuật bắt ve của tiên sinh thật thành thục, tiên sinh có bí quyết gì vậy?”

Ông lão trả lời:

“Thời điểm tốt nhất để bắt ve là vào tháng Năm hoặc tháng Sáu. Khi không đúng thời điểm, đừng vội vàng mà phải kiên nhẫn. Khi thời điểm đến, phải tận dụng thời gian để bắt được càng nhiều ve càng tốt, nếu không thì phải đợi sang năm. Khi ta mới đầu bắt ve, ta giống như những người khác, thường xuyên bắt trượt.

Sau đó ta quyết định tự rèn luyện, đặt một viên bi nhỏ trên đầu gậy tre và đứng im giữ cây gậy sao cho viên bi không rơi xuống. Ta mất một vài tháng để làm điều này và cuối cùng ta có thể giữ được viên bi trên cây gậy. Sau đó, gần như mỗi lần bắt ve ta đều bắt trúng. Rồi ta quyết định đặt ba viên bi trên đầu gậy tre, tự rèn luyện mình giữ viên bi đúng vị trí.

Khi ta có thể giữ được ba viên bi trên đầu gậy, tỷ lệ bắt trượt của ta còn ít hơn nữa. Sau đó ta quyết định đặt năm viên bi trên gậy tre và lại rèn luyện bản thân để giữ các viên bi không bị rơi xuống. Đến khi ta có thể làm điều đó, việc bắt ve trở nên dễ như nhặt cái gì đó ở dưới đất lên vậy, ta không bắt trượt con nào cả”.

Ông lão tiếp tục: “Khi đang bắt ve, ta giữ cơ thể mình bất động như khúc gỗ. Ta giữ chặt cánh tay mình. Cho dù trời đất rộng lớn ra sao, cho dù mọi thứ xung quanh thế nào, ta sẽ không thấy gì ngoài đôi cánh của con ve mà ta muốn bắt. Ta sẽ không nhìn lại, không nghiêng người và không bận tâm đến bất kỳ phiền nhiễu nào. Ta chỉ hoàn toàn để tâm vào con ve; không gì khiến ta thay đổi sự chú ý vào nó. Làm sao ta có thể bắt trượt con ve khi ở trong trạng thái như vậy?”

Khổng Tử cảm thán không thôi, ông quay về phía các môn đệ và nói:“Dụng tâm chuyên nhất, tinh thần tập trung cao độ, sẽ có thể đạt đến cảnh giới thần kỳ. Vị lão nhân gù lưng này hoàn toàn đạt đến tầng thứ đó!”.

Câu chuyện trên không chỉ nói về việc làm sao bắt được nhiều ve, mà còn cho thấy cách người xưa học Đạo tu hành. Học Đạo là bắt đầu từ những việc nhỏ, vậy nên Đạo lý có ở khắp mọi nơi. Ông lão trong câu chuyện giữ cơ thể bất động như khúc gỗ khi bắt ve, mắt ông chỉ chú ý vào cánh ve và không để ý gì đến xung quanh. Đó là bởi ông lão đã bỏ qua mọi can nhiễu bên ngoài, dụng tâm chuyên nhất, tinh thần tập trung cao độ.

Vô vi không phải là phó mặc không hành động, mà là thuận theo Đạo, tùy kỳ tự nhiên

Có câu chuyện khác kể rằng, một ngày Khổng Tử đến bờ sông Hoàng Hà, thấy nước sông cuồn cuộn, sóng nước đục ngầu, khí thế như vạn ngựa đang phi, âm thanh như hổ gầm sấm động. Khổng Tử đứng trên bờ rất lâu, bất giác thương cảm: “Cái đã qua là như thế này đây, ngày đêm không ngừng! Nước sông Hoàng Hà cuồn cuộn chảy, tháng năm của con người qua đi chẳng dừng, nước sông chẳng biết chảy đi đâu, đời người chẳng biết đi về đâu?”.

Nghe thấy những lời này, Lão Tử nói: “Con người sống giữa trời đất, nên cùng với trời đất là một thể, trời đất vạn vật là tự nhiên vậy. Con người cũng là thuận theo tự nhiên. Người có thay đổi từ trẻ em, thiếu niên, đến tráng niên, người già, cũng giống như trời đất có xuân, hạ, thu, đông đổi thay, có gì buồn đâu? Sinh ra trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, cứ để nó tự nhiên, thì bản tính không loạn. Không để nó theo tự nhiên, tất bật trong nhân nghĩa, thì bản tính bị trói buộc. Công danh còn trong tâm, thì cái tình lo nghĩ nảy sinh. Lợi dục giữ trong tâm, thì cái tình phiền não càng tăng thêm”.

Tu dưỡng thân tâm, buông bỏ dục vọng, theo Lão Tử chính là cách để đạt đến cảnh giới cao trong Đạo. Muốn trường sinh bất lão, khỏe mạnh an vui thì phải biết “vô vi”. Vô vi không phải là phó mặc không hành động, mà là thuận theo Đạo, tùy kỳ tự nhiên.

Trong xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh chóng, tràn đầy ham muốn dục vọng, phải làm thế nào để có thể giữ vững bản tâm, tu thân thủ đức, làm một người có tu dưỡng, có phẩm chất, làm sao để tâm linh được an bình?

Con người muốn được an lạc thì phải hiểu Đạo để tu thân. Nhưng đường Đạo và sự an lạc không dành riêng cho một ai. Đã làm con người dù theo khuynh hướng nào, dù duy tâm hay duy vật, dù có tín ngưỡng hay bài bác thần linh, dù theo tôn giáo hay môn phái nào cũng đều có thể thuận theo thiên đạo mà hành xử… Bởi vì Đạo luôn có sẵn trong mỗi người, đó chính là lương tâm và thiện tính.

Vì thế, người “Đắc Đạo” không có nghĩa là phải từ bỏ lợi ích vật chất để theo đuổi một cái gì xa vời ngoài đời sống thực tại. Sống theo Đạo là sống một cuộc sống cho ra sống, sống thoải mái với cuộc đời, sống một cách có ý thức và chủ động trong mọi sinh hoạt, chứ không phải sống một cách máy móc thụ động. Muốn được vậy thì người tu phải lấy Đạo làm trung tâm trong đời sống tâm linh, cũng là trung tâm trong tất cả hoạt động của mình thể hiện ra bên ngoài.

Vậy nên Đạo Nho mới có câu: “Đạo bất khả tu du ly dã”, nghĩa là: Đạo không giây phút nào xa lìa được.

Như vậy, sống theo Đạo là làm sao để các năng lực của mình phải phát xuất từ cái Đạo tâm đầy sự an tỉnh và sáng suốt đó. Đạo tâm này càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì sức khỏe, hoạt động và sự giao tế của con người càng ngày càng trở nên tốt đẹp bấy nhiêu, và đời sống sẽ trở thành một ân sủng của tạo hóa, thay vì là một cảnh khổ mà con người phải vật lộn, chịu đựng với nó.

Theo Tinhhoa.net

BÀI CHỌN LỌC

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

    Share on Google Plus

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

    loading...